Theo thống kê của tổ chức y tế Thế Giới WHO trong một nghiên cứu năm 2016 cho thấy, có khoảng 84% dân số thế giới sử dụng thuốc có nguồn gốc là Dược liệu. Đặc biệt ở các nước phương Đông trong đó có Việt Nam, dược liệu học trở thành một phần quan trọng trong nền Y học cổ truyền từ xưa đến nay. Vậy, dược liệu là gì? Thuốc dược liệu là gì? Liệu bạn đã hiểu đầy đủ về các tên gọi thân quen này và biết cách sử dụng chúng hiệu quả hay chưa?
Từ cổ xưa, con người đã biết cách dùng các loại cây, động vật hay những thứ trong tự nhiên để làm thuốc phòng và chữa trị bệnh. Theo thời gian, những kinh nghiệm này được lưu truyền, chọn lọc và nghiên cứu tìm kiếm những bằng chứng khoa học đáng tin cậy, rõ ràng hơn.
Dược liệu là gì? Thuốc từ dược liệu là gì?
Theo Luật Dược số 105/2016/QH13 quy định thì Dược liệu là nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc từ tự nhiên từ thực vật, động vật, khoáng vật và đạt tiêu chuẩn làm thuốc.
Diễn giải một cách đơn giản để hiểu dược liệu là gì thì dược liệu có thể là toàn bộ bộ phận của một cây, một con vật hoặc có thể là một vài bộ phận của chúng. Những sản phẩm được tách chiết từ cây, động vật như tinh dầu, sáp, dầu mỡ, gôm có thể dùng làm thuốc cũng thuộc phạm vi dược liệu. Dược liệu có hai hướng sử dụng như sau:
- Chế biến, bào chế hay phối hợp theo lý luận và phương pháp của Y học cổ truyền hoặc kinh nghiệm dân gian để tạo thành thuốc cổ truyền. Thuốc này có dạng bào chế truyền thống như thuốc sắc, viên hoàn, tán hoặc dạng bào chế hiện đại như viên nang, siro… Cùng với các phương pháp chữa trị khác, nền y học cổ truyền hiện nay phát triển song song như một phương pháp điều trị hỗ trợ và thay thế (y học thay thế) cho phương pháp điều trị thông thường.
- Hiện đại hơn, dược liệu được nghiên cứu để chiết xuất và bào chế thành thuốc hoá dược, thuốc dược liệu hay thực phẩm chức năng, ở dạng mới như viên nén, viên nang, thuốc tiêm…
Như vậy, thuốc dược liệu là thuốc có thành phần từ dược liệu và có tác dụng, được sử dụng dựa trên bằng chứng khoa học hiện đại. Những thuốc có hoạt chất tinh khiết chiết xuất từ dược liệu hoặc có sự kết hợp giữa dược liệu với các hoạt chất hóa học tổng hợp thì không được gọi là thuốc từ dược liệu mà là thuốc hoá dược. Các thuốc này có dạng bào chế hiện đại và được sử dụng bên cạnh các thuốc tân dược (thuốc Tây) trong điều trị, phòng ngừa bệnh.
Những nguồn dược liệu chính
Y học cổ truyền ở Việt Nam đã tồn tại từ rất lâu gắn liền với các kinh nghiệm dân gian, bài thuốc sử dụng các cây, con vật hay khoáng vật (gọi chung là dược liệu) để phòng và chữa bệnh. Sự xuất hiện thuốc dược liệu là do kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh với bệnh tật của con người mà tìm ra. Số lượng, chất lượng thuốc tiến bộ theo nền sản xuất của xã hội. Các nguồn nguyên liệu tự nhiên được sử dụng làm dược liệu bao gồm:
Thảo dược dùng làm dược liệu là gì?
Cây dược liệu là nguồn nguyên liệu chính trong các bài thuốc cổ truyền cũng như được nghiên cứu, chiết xuất, bào chế thành thuốc. Trước đây, nguồn nguyên liệu thảo dược có sẵn trong tự nhiên, sau thiếu dần phải gieo trồng, thu hái mới có được. Bên cạnh các loại thảo dược có sẵn ở nước ta gọi là thuốc Nam, nước ta còn phải nhập khẩu thêm các loại thảo dược từ các nước khác như Trung Quốc, Triều Tiên… gọi là thuốc Bắc.
Nhân dân ta đã biết cách sử dụng các loại thảo dược từ rất sớm. Ví dụ, từ thời vua Hùng, ông cha ta đã biết dùng cây cỏ làm thực phẩm và làm thuốc như dùng nước vối, gừng để trợ tiêu hóa, chống cảm lạnh, dùng hạt cau, hạt cây sử quân tử để trị giun…
Ngày nay, một số dược liệu nổi tiếng được điều chế thành thuốc với dạng bào chế hiện đại như kim tiền thảo, dây thìa canh, cà gai leo… Không những thế, nhiều hoạt chất sinh học được phân lập từ thực vật như atropin, ephedrine, morphine, cafein, axit salicylic, digoxin, colchicin… có ứng dụng rất cao đối với y học hiện đại.
Động vật dùng làm thuốc dược liệu
Tuy không được sử dụng nhiều như các loại cây Thảo dược nhưng dược liệu từ động vật cũng là các vị thuốc quan trọng trong một số phương thuốc điều trị bệnh lý thường gặp. Nguyên liệu dùng làm thuốc có nguồn gốc từ động vật có thể là cả con (tắc kè, rắn…) hoặc sản phẩm hay một bộ phận của động vật (như mật ong, sữa ong chúa, mề gà, mai mực…).
Cũng giống như thảo dược, hiện nay hầu hết dược liệu từ động vật đều được chăn nuôi bởi nhu cầu quá lớn so với nguồn cung từ tự nhiên. Một đặc điểm đáng lưu ý của dược liệu từ động vật là thường có giá thành cao hơn thảo dược, tuy nhiên thường đem lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị.
Nấm, ký sinh trùng hay các vi sinh vật làm thuốc dược liệu là gì?
Mặc dù ít sử dụng hơn nhưng sinh vật làm dược liệu cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một ví dụ khá thân quen về dạng ký sinh được dùng làm thuốc chính là Đông trùng hạ thảo – dạng ký sinh giữa loài bướm thuộc chi Thitarodes và loại nấm Ophiocordyceps sinensis. Vi sinh vật làm dược liệu thì thường có khả năng tự tổng hợp, chuyển đổi những chất thông thường thành dạng có hoạt tính sinh học, chẳng hạn như quá trình lên men.
Các cách sử dụng dược liệu là gì?
Hiện nay, việc sử dụng dược liệu trong phòng và chữa bệnh đã và đang trở thành xu hướng phát triển mạnh, không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Người ta ưa chuộng sử dụng dược liệu vì nó không những có tác dụng chữa bệnh tốt, mà còn có tác dụng điều hoà, cân bằng sự hoạt động giữa các cơ quan, bộ phận trong cơ thể để có thể duy trì sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống.Ngoài ra, hầu hết các dược liệu đều có độ an toàn cao do đã được sử dụng trong khoảng thời gian rất dài, nó ít gây ra tác dụng phụ và dễ dàng sử dụng. Một trong các yếu tố quan trọng làm dược liệu phát huy tác dụng tốt đó là sử dụng dược liệu đúng cách.
Mỗi loại dược liệu sẽ có một hoặc nhiều cách sử dụng khác nhau để phát huy hết tác dụng và mang đến hiệu quả như mong muốn. Thực tế các cách chế biến và bào chế dược liệu thành thuốc y học cổ truyền phải tuân theo lý luận và phương pháp của y học cổ truyền hoặc kinh nghiệm dân gian, có thể rất phức tạp, cần nhiều công đoạn cũng như chuyên môn cao của người làm thuốc. Tuy nhiên, tuỳ vào mục đích sử dụng, bạn cũng có thể sử dụng dược liệu theo các cách thức chế biến trong y học cổ truyền như:
- Hãm trà hay sắc lấy nước uống
- Sao (rang), có thể sao vàng, sao đen, sao cháy tùy dược liệu
- Chưng hay đồ (đun cách thủy)
- Ngâm rượu, ngâm mật ong, ngâm muối
- Tẩm gừng, tẩm giấm
Các cách chế biến, bào chế dược liệu cũng được phát triển theo thời gian để vừa tiện lợi khi dùng vừa đảm bảo công dụng của chúng. Các dạng dùng thường thấy hiện nay là trà túi lọc, dược liệu thô, chiết xuất dược liệu (như cồn thuốc, rượu thuốc, tinh dầu). Trường hợp thuốc dược liệu sẽ được bào chế theo kỹ thuật tân tiến và cho ra dạng dùng như thuốc tân dược, gồm viên nén, viên nang, thuốc tiêm, dung dịch/ hỗn dịch uống…
Việc sử dụng đúng cách dược liệu thường cần rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến từ những thầy thuốc y học cổ truyền đã được đào tạo, có chứng chỉ công nhận trước khi muốn sử dụng bất kỳ vị thuốc, phương thuốc nào. Khi sử dụng thuốc từ dược liệu, bạn cần tuân thủ liều lượng đúng theo khuyến cáo từ nhà sản xuất hay chỉ định của bác sĩ.
Những lưu ý khi sử dụng dược liệu là gì?
Bên cạnh các dược liệu được sử dụng rộng rãi với nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ lành tính cao, cũng có những dược liệu chưa được nghiên cứu kỹ, người dân sử dụng theo kinh nghiệm tại địa phương thì hoàn toàn có thể có độc tố và từ đó gây nên những tác dụng nguy hiểm đến người dùng. Khi muốn sử dụng dược liệu làm thuốc, bước đầu tiên cần làm là thu hái cần tuân theo nguyên tắc “3 đúng”:
- Đúng thuốc dược liệu (đúng tên, đúng loài). Để tránh nhầm lẫn khi không thống nhất được tên gọi do sự khác nhau của vùng miền, thì bạn cần lưu ý rằng tên chính thức của dược liệu sẽ căn cứ vào tên khoa học của dược liệu.
- Đúng bộ phận dùng vì không phải bộ phận nào cũng được sử dụng làm thuốc, và mỗi bộ phận trong cùng một cây, một con vật cũng sẽ có tác dụng và mục đích sử dụng khác nhau.
- Đúng thời điểm để hàm lượng hoạt chất trong dược liệu cao nhất có thể
Tiếp đó, công đoạn sơ chế, chế biến cũng rất quan trọng để đảm bảo dược liệu vừa được loại bỏ đi độc tố, vừa không bị mất đi hoạt chất có tác dụng và có thể bảo quản lâu.
Người dùng khi mua dược liệu về sử dụng cần tìm hiểu những cơ sở uy tín và học cách phân biệt, đánh giá để tránh mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng. Ngoài ra, bạn cũng không nên tự ý sử dụng dược liệu tùy tiện mà cần phải được chẩn đoán đúng bệnh, đúng liều để tránh “rước họa vào thân”.
Điều trị bệnh bằng cách kết hợp Đông – Tây y một cách khoa học, hợp lý có thể mang lại hiệu quả tốt. Do đó, bên cạnh các phương pháp điều trị thông thường, người bệnh hoàn toàn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để áp dụng thêm các phương pháp điều trị hỗ trợ và thay thế (bao gồm sử dụng dược liệu, châm cứu, massage, trị liệu tâm lý…). Hy vọng với những thông tin trên, bạn đã hiểu rõ thuốc dược liệu là gì và vai trò quan trọng của chúng trong điều trị, phòng ngừa bệnh.